Ngày 06 tháng 09 năm 2019, công ty Cổ phần sản xuất Đầu tư Xây dựng Hưng Việt phối hợp với bộ môn Địa kỹ thuật- khoa Công trình- trường Đại học Giao thông Vận tải cùng công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng ATV Việt Nam (ATV Việt Nam IDAC.,JSC) tổ chức Hội thảo chuyên đề “Ứng dụng giải pháp xanh trong phòng chống sụt trượt bờ dốc” tại trường Đại học GTVT, số 3 phố Cầu Giấy, quận Đống Đa, Hà Nội.

 

H1. Đón tiếp đại biểu

 

H2. Đại biểu tham dự Hội thảo

 

Thành phần tham gia

Nhiều nhà khoa học, các chuyên gia trong các lĩnh vực địa kỹ thuật, địa môi trường và xây dựng cầu đường… đến từ các trường Đại học tại Hà Nội: ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH QGHN, ĐH Kiến trúc, ĐH Thủy lợi, ĐH Mỏ – Địa chất, ĐH GTVT, ĐH Công nghệ GTVT, ĐH Tài nguyên – Môi trường…và các viện nghiên cứu như Viện KHCN Xây dựng (Bộ Xây dựng), Viện KHCN Giao thông vận tải (Bộ GTVT), Viện Thủy công – Viện KH Thủy lợi Việt Nam…Các hội chuyên ngành như Hội Địa kỹ thuật công trình, Hội Địa chất công trình, Hội Cơ học đất và nền móng… Cùng đó là rất đông các cán bộ kỹ thuật và quản lý về xây dựng, thiết kế đến từ Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Khoa học Bộ GTVT, các BQLDA, sở GTVT Cao Bằng, Lào Cai và các tổng công ty và công ty hoạt động về Tư vấn, thiết kế và Xây dựng…trên địa bàn Hà Nội.

 

H3. PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học GTVT
phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Sau phần tuyên bố lý do và giới thiệu thành phần các đại biểu tham dự Hội thảo, phát biểu khai mạc Hội thảo của PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học GTVT đã nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực việc tổ chức Hội thảo chuyên đề “Ứng dụng giải pháp xanh trong phòng chống sụt trượt bờ dốc”. Với một buổi Hội thảo, chưa thể giải quyết ngay được triệt để các vấn đề, cũng chưa hẳn đưa ra được giải pháp tối ưu, xong từ chủ đề Hội thảo tới các báo cáo được trình bày gắn liền với vấn đề thời sự và thực tiễn rất cao. Với hội nghị này, các đại biểu tham dự, là các chuyên gia giàu kinh nghiệm, nhiều cán bộ kỹ thuật có chuyên môn đến từ các đơn vị khác nhau đã chia sẻ, phân tích, trao đổi và thảo luận để làm rõ hơn về hiệu quả thực tiễn cũng như các hiệu ứng môi trường của các giải pháp xanh khi áp dụng trong thực tế.

 

H4. Toàn cảnh Hội thảo

 

Sự cần thiết

Những năm gần đây, ở các nước phát triển từ châu Âu tới châu Mỹ, từ Đông Á sang Tây Á, tư duy thiết kế không chỉ hướng đến tính kỹ thuật, độ bền mà còn quan tâm đến mỹ thuật, bảo vệ môi trường và sinh thái học bền vững. Đây là xu thế tất yếu, Việt Nam ta cũng sẽ phải triển khai áp dụng dần các giải pháp xanh để không chỉ là các bờ dốc bê tông khô cứng, kém hài hòa mà hướng đến những bờ dốc có thảm thực vật, bảo vệ môi trường, hài hòa với cảnh quan và hệ sinh thái xung quanh. Những áp dụng triển khai này là không mới ở Việt Nam, nhưng rất tiếc tới nay chưa có một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật – là hành lang pháp lý có hệ thống hướng dẫn áp dụng.

Với ý nghĩa đặc biệt này, Hội thảo “Ứng dụng giải pháp xanh trong phòng chống sụt trượt bờ dốc” do Công ty Cổ phần sản xuất Đầu tư Xây dựng Hưng Việt kết hợp với Trường ĐH GTVT, ủy nhiệm cho Bộ môn Địa Kỹ thuật – khoa Công Trình phối hợp cùng Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng ATV Việt Nam tổ chức, không chỉ đơn thuần hướng đến một giải pháp xanh cho xây dựng công trình tại các nơi có bờ dốc đào hoặc đắp trên các tuyến đường giao thông, các khu dân cư, các công trình thủy lợi… Mà còn cho thấy rõ ý nghĩa thiết thực về bảo về bảo vệ môi trường, phòng chống sụt trượt bờ dốc để phát triển bền vững cho đất nước.

 

H5. Công ty Hưng Việt thi công tường chắn đất có cốt –
Dự án đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn

 

Tại Hội thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên gia và cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm về lĩnh vực xây dựng, về bảo vệ bờ dốc, thiết kế công trình giao thông, và địa kỹ thuật môi trường đã phân tích và thảo luận rất sôi nổi về:

  1. Các giải pháp công trình ổn định bờ dốc sử dụng hiện nay ở Việt Nam, những điểm được, điểm còn tồn tại;
  2. Công nghệ bảo vệ mái dốc bằng phun hỗn hợp đất với hạt cỏ;
  3. Ổn định bờ dốc bằng giải pháp tường chắn đất có cốt và mái nghiêng ô Geocell kết hợp phủ xanh bề mặt bằng thảm thực vật;
  4. Vai trò lớp phủ thực vật với ổn định bề mặt bờ dốc. Tất cả các vấn đề được đề cập và thảo luận đều xoay quanh và hướng tới thống nhất việc giảm thiểu can thiệp sâu vào các yếu tố tự nhiên – giảm thiểu đào đắp đất đá quy mô lớn khi xây dựng các công trình hạ tầng. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc phủ xanh tất cả các bề mặt bờ dốc đào và đắp cho các công trình xây dựng trong tương lai, bởi đây không chỉ đơn giản là tạo cảnh quan sinh thái mà đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định chống xói cho các bờ dốc.

 

H6. Ông Phạm Hữu Hoàng – Chuyên gia công ty CP sản xuất đầu tư
xây dựng Hưng Việt trình bày tham luận tại Hội thảo

 

Mở đầu phần chuyên môn là báo cáo “Tổng quan về các giải pháp công trình ổn định bờ dốc sử dụng hiện nay ở Việt Nam” của PGS.TS. Nguyễn Đức Mạnh, Trưởng bộ môn Địa kỹ thuật, trường Đại học GTVT.

Qua bài trình bày, các ý kiến đều thống nhất việc thiết kế và thi công các công tình hạ tầng theo hướng sinh thái xanh – phủ xanh bằng cỏ trên bề mặt kết hợp các biện pháp gia cố hay kết cấu tường chắn là rất thực tế và cần áp dụng ngay tại Việt Nam.

Ở nội dung tiếp theo, ông Trần Thanh Việt, giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng ATV Việt Nam, đơn vị tiên phong với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực gia cố và bảo vệ bờ dốc nền đường đào tại Việt Nam đã trình bày chi tiết về Công nghệ trồng cỏ bảo vệ mái dốc bằng phương pháp phun hỗn hợp đất và hạt cỏ”.

Bài trình bày thứ ba, Ông Phạm Hữu Hoàng- Trưởng bộ phận kỹ thuật Công ty CP sản xuất đầu tư Hưng Việt đã giới thiệu về phương pháp “Ổn định bờ dốc bằng giải pháp tường chắn đất có cốt và mái nghiêng ô Geocell kết hợp phủ xanh bề mặt bằng thảm thực vật”. Giải pháp sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường thay thế kết cấu bê tông hay bê tông cốt thép, là kết cầu tường chắn dạng mềm. Đặc biệt tất cả các dạng kết cấu tường chắn này đều được trồng lớp phủ xanh tạo cảnh quan sinh thái. Đây là chủ đề chính của hội thảo này.

Nội dung cuối cùng, Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh Nguyễn Thái Linh, GV Bộ môn ĐKT trình bày về “Vai trò lớp phủ thực vật với ổn định bề mặt bờ dốc”. Điểm đặc biệt của báo cáo này là chỉ ra định lượng cụ thể các nghiên cứu đã có và các nghiên cứu bổ sung vài trò của các loại cỏ.

 

H7. Các đại biểu trao đổi, thảo luận câu hỏi tại Hội thảo

 

Mục đích Hội thảo

Qua Hội thảo này, các đại biểu tham dự đại diện cho các cơ quan nghiên cứu, các công ty chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, bảo vệ môi trường … đã có dịp cùng nhau thảo luận, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ bờ dốc theo hướng bảo vệ sinh thái, đồng thời hướng tới làm thay đổi hệ thống tư duy cho các nhà quản lý nói chung, quản lý xây dựng nói riêng, để không chỉ đạt mục tiêu có công trình xây dựng đảm bảo bền chắc mà còn phải thân thiện với môi trường.

Tất cả đều hướng tới “Chắc – bền – đẹp – rẻ – nhanh”!

 

H8. Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

.
.
.
.