Hiện nay, các bờ đá taluy dương trên các tuyến đường giao thông vùng núi nước ta thường được thiết kế và thi công dốc đứng với chiều cao lớn, thậm chí với cả những loại đá có kết cấu không ổn định…, nhưng lại ít được chú trọng trong việc phòng chống đá rơi, đá lở. Vì vậy hiện tượng đá rơi đá lở xuất hiện không chỉ vào mùa mưa lũ mà ngay cả mùa khô trên nhiều tuyến đường.

Trong số các giải pháp kỹ thuật chống đá rơi, có giải pháp sử dụng lưới thép cường độ cao. Lưới thép cường độ cao được dùng cho 3 trường hợp: chống đá lở, đá rơi trực tiếp trên bề mặt; làm khung đỡ, đón tránh để đá rơi xuống đường; dùng để chặn dòng lũ bùn đá. Một hệ thống kết cấu “mềm” linh hoạt gồm lưới thép cường độ cao siêu mạ, kết hợp đinh đá, cáp biên và cáp đỉnh sử dụng để ổn định bề mặt bờ dốc đất đá làm việc theo nguyên tắc thiết lập mặt cắt cân bằng chính là sự lựa chọn tốt để áp dụng trong trường hợp này.

Trong giải pháp này, lưới thép giống như hệ thống mạng lưới bao bọc sườn núi để ngăn đá rơi xuống đường. Các mạng lưới thép cuộn xuống theo sườn dốc, lớp chống ăn mòn siêu mạ, không han rỉ, có độ bền khoảng 100 năm.

Để neo lưới lên bờ dốc đá, các kỹ sư sử dụng đinh đá, khoan sâu vào phía trong 4m, đưa thanh thép cùng vữa xi măng vào rồi vặn bulông chặt. Các đinh đá được bố trí so le nhau với khoảng cách tùy theo tính toán của chuyên gia sao cho phù hợp với từng loại địa hình và đất đá.

So với phương án đào đồi, núi, dốc ngả ra phía sau để hạ độ dốc đứng của bờ đá vốn có chi phí đắt đỏ và tác động không tốt đến môi trường, việc sử dụng giải pháp ngăn đá rơi, đá lở bằng lưới thép cường độ cao có hiệu quả tối ưu cả về khía cạnh kinh tế lẫn môi trường.

Nguyên tắc của giải pháp:

– Chống lại sự dịch chuyển quá mức của khối đá bằng cách tạo ra ứng suất truyền vào trong khối đá bằng đinh/bu lông đá. Đồng thời liên kết với hệ thống lưới giữ các khối đá nguy cơ mất ổn định, liên kết các khối đá lại với nhau tạo thành một khối ổn định hơn.

Ưu điểm

– Giữ nguyên hiện trạng bờ dốc, hạn chế tác động khi thi công, vừa thi công vừa khai thác bình thường các tuyến đường.

– Thiết bị thi công gọn nhẹ, ít vật liệu, thời gian thi công nhanh dễ dàng áp dung được với địa hình cao, dốc đứng.

– Hệ số ổn định, an toàn vượt trội, chống được động đất, tuổi thọ công trình cao và đơn giản trong quá trình duy tu, bảo dưỡng, thay thế.

– Thực vật có thể phát triển lại trên bờ dốc sau khi đưa vào sử dụng, thân thiện với môi trường.

 

 

.
.
.
.